Hàng ngày,ẻlầnkhôngragiàănkhôngtớanh vs senegal Tuấn tới cơ quan "ngồi máy" một lúc, giải quyết xong việc công văn giấy tờ, cậu tranh thủ lên mạng rải thông tin, rao hàng. Mỗi khi có khách hẹn đi xem nhà xem đất, cậu sẽ báo sếp "em chạy ra ngoài một chút". "Một chút" có khi là lang thang từ mảnh đất này sang mảnh đất khác, sáng đến tối.
"Sếp cũng mắt nhắm mắt mở. Một là sếp thấy mình vẫn hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, hai là không cho anh em làm thì lấy gì mà chi tiêu. Bụng đói thì đầu gối phải bò, chứ lắm lúc cũng thấy ngại anh ạ", cậu xuê xoa nói.
So với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022, vào khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, thì lương của cán bộ công chức trẻ theo quy định hiện là rất thấp.
Một người có trình độ đại học vào làm cho cơ quan nhà nước được hưởng lương hệ số 2,34 với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Theo lộ trình tăng lương ba năm một lần thì phải sau khoảng 10 năm, người đó mới đạt được mức lương hệ số 3,33 - xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng.
Trong khi 10 năm đầu là khoảng thời gian mà người lao động giàu khả năng sáng tạo và có thể đạt hiệu suất làm việc tốt nhất. Đồng thời trong giai đoạn này của cuộc đời, con người đối diện với cùng lúc nhiều nhu cầu chi tiêu lớn: hoàn trả chi phí đại học, mua sắm phương tiện làm việc, trang bị thêm kiến thức, lập gia đình, tìm nơi an cư, nuôi con nhỏ...
Càng về sau, theo lộ trình tăng ba năm một lần, lương của cán bộ công chức bắt đầu cao hơn thu nhập bình quân đầu người, càng về cuối càng cao. Nhưng ở khoảng 10 năm trước tuổi hưu, khí thế, nhiệt huyết và sáng tạo trong công việc của mỗi người đã giảm sút đi rất nhiều.
Thực hiện chế độ tiền lương mới cho đội ngũ cán bộ công chức là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong lần cải cách này, tôi cho rằng cần thay đổi nhịp độ tăng lương, không phải đều đều ba năm một lần mà nên tăng nhanh hơn trong 10 năm đầu làm việc của cán bộ công chức, và thưa hơn trong giai đoạn sắp nghỉ hưu. Tất nhiên, căn cứ chính để tăng hay giảm vẫn là hiệu quả làm việc của từng vị trí.
Sự thay đổi này sẽ giúp lực lượng nhân sự khu vực công dần thoát khỏi cảnh mà chúng tôi thường nói vui là "trẻ lần không ra, già ăn không tới", tạo điều kiện để cán bộ công chức cống hiến hết mình cho công việc, giữ chân người trẻ tài năng ở lại trong hệ thống. Về mặt xã hội, việc này còn góp phần giảm thiểu tình trạng người trẻ kết hôn muộn do áp lực tài chính, từ đó hỗ trợ mục tiêu phát triển dân số bền vững.
Vấn đề thứ hai là không để cào bằng lương giữa người giỏi với người bình thường.
Hiện nay, cán bộ công chức giỏi vẫn được xét nâng lương trước hạn. Tuy nhiên, mức thời gian nâng lương trước hạn chỉ từ 6 tháng, 9 tháng đến tối đa 12 tháng. Đồng thời khoảng cách thời gian của hai lần được xét nâng lương trước hạn là sáu năm đối với người có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và bốn năm gần nhất đối với các ngạch và chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống.
Với các quy định như trên thì việc ghi nhận sự chênh lệch giữa người giỏi và người làm việc bình thường "sáng cắp ô đi, tối cấp ô về" là không xứng đáng, không đủ khích lệ. Nó gián tiếp dẫn đến tình trạng cán bộ công chức đến cơ quan chỉ làm việc cho có, dành tâm trí làm thêm, "chân ngoài dài hơn chân trong" - vẫn tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua.
Có thu nhập khá từ nghề môi giới nhà đất, và dù "lắm lúc thấy ngại", Tuấn nói với tôi, cậu nhất định giữ công việc Nhà nước để dưỡng già chứ nhất quyết không bỏ. Sự bất hợp lý của chính sách đã khiến những công chức - viên chức xoay xở tìm cách thích nghi, ít nhiều "xà xẻo" vào lợi ích của Nhà nước và người dân đóng thuế.
Nghịch lý này chắc chắn nên được nhìn thấy và điều chỉnh sớm bằng các chính sách thích hợp của Nhà nước - trong vai trò người sử dụng lao động ở khu vực công.
Văn Lợi